Quyết định mua hàng của người tiêu dùng thường được giải thích qua việc phân tích insight – điều gì thực sự đang diễn ra trong suy nghĩ của họ. Insight, khái niệm nhiều người nhắc đến, nhưng không nhiều người có cơ hội hiểu nó một cách tường tận. Cả về nội hàm của từ này lẫn chiêm nghiệm qua thực tế.
Một trong những cơ sở logic để hiểu insight là hiểu quy luật vận hành của não bộ. Cụ thể là quy luật vận hành của tiềm thức (subconscious) ảnh hưởng như thế nào đến việc ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Thứ làm cho bao doanh nghiệp đau đầu hại não.
Và subconscious cũng ảnh hưởng đến cả hoạt động sáng tạo của người chuyên nghiệp. David Ogilvy viết rằng: Tôi giữ liên lạc với tiềm thức của mình. Bởi biết đâu cái kho chứa lộn xộn đó lại có thứ hữu ích cho tôi. Tôi nghỉ thường xuyên để bộ não của mình có dịp nghỉ ngơi. Trong khi “chẳng làm gì” tôi đều đặn nhận được những “bức điện” từ tiềm thức gửi tới và chúng trở thành nguyên liệu thô để tôi nhào nặn nên các quảng cáo của mình.
Tiềm thức (subconscious) đã được các chuyên gia về neuroscience chứng minh đóng vai trò rất lớn đến việc đưa ra quyết định của mỗi người. Cho dù đó là người làm nghề hay một khách hàng bình thường.
Chúng ta cùng nghe hội thoại sau từ một bà mẹ bỉm sữa về nước giặt quần áo:
⁃ Chị thích dùng loại nước giặt thế nào?
⁃ Tôi thích dùng loại nước đặc.
⁃ Tại sao?
⁃ Nước giặt đặc tiết kiệm hơn.
⁃ Sao lại tiết kiệm hơn?
⁃ Dùng ít hơn nhưng vẫn sạch quần áo hơn.
Insight rút ra về nước giặt quần áo từ hội thoại trên là gì?
Họ làm: Tôi thích mua nước giặt đặc hơn nước giặt loãng.
Họ nói: Tôi thấy nước giặt mà đặc thì tiết kiệm hơn nước giặt loãng.
Họ thực sự nghĩ: Tôi cho rằng nước giặt đặc thì giặt sạch hơn nước giặt loãng
Đoạn cuối của mẫu hội thoại trên như sau:
⁃ Tại sao chị cho rằng nước giặt đặc thì sạch hơn? Chị có so với nước giặt loãng?
⁃ Tôi chưa thử để so. Nhưng tôi nghĩ đã đặc thì chất hơn nên chắc nó sẽ sạch hơn chứ.
Hành vi tiêu dùng nhiều khi xuất phát từ quan niệm họ có sẵn. Cụ thể ở đây họ cho rằng nước giặt đặc đồng nghĩa với chất lượng.
Câu hỏi đặt ra: Do đâu họ có quan niệm này?
Do tiềm thức nằm sẵn trong phần não giữa (não bò sát) của họ. Tiềm thức là những thông tin, những quan niệm được bồi đắp và hình thành trong vô thức hoặc có ý thức trong quá trình chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài. Tiềm thức giúp người tiêu dùng ra quyết định nhanh hơn. Và quan trọng họ cảm thấy đúng và an tâm với quyết định đó.
Các marketers có thể truy đuổi và hiểu được được tiềm thức khách hàng với chỉ vài dấu hiệu lời nói ban đầu hay không.
Customer insight, do vậy đòi hỏi sự hiểu biết tận gốc và chứng thực qua trải nghiệm để hiểu đúng. Cách chúng ta gọi insight là “ngầm hiểu” hay “thấu hiểu” không quan trọng bằng cách chúng ta hiểu nội hàm của nó.
Một trong những cơ sở để chúng ta đào sâu được nội hàm của insight chính là hiểu cơ chế vận hành của subconscious – sức mạnh của tiềm thức. Các nhà nghiên cứu Neuroscientist đã bỏ bao công sức chỉ để rút ra những quy luật quan trọng. Thật phí nếu những người làm nghề liên quan marketing bỏ qua cơ hội vận dụng tài sản trí tuệ này vào công việc của họ.
* Nguồn: CafeBiz